Tuesday, May 3, 2016

Câu lạc bộ môi trường và ngày hội đổi rác



Tận dụng rác thải để tái chế đồ handmade, tổ chức ngày hội đổi rác, xây dựng một câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Gần 10 năm qua, Câu lạc bộ môi trường 3600 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã có một sân chơi lý tưởng cho các bạn sinh viên đưa ra các sáng kiến nhằm bảo vệ môi trường.
Ý tưởng từ thực tiễn
Đều đặn 3 tuần một ngày, gần 10 năm qua, các thành viên trong Câu lạc bộ bảo vệ môi trường 3600 lại chia nhau đến các địa điểm: Bờ hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, giảng đường của Trường ĐH Kinh tế quốc dân để thu gom rác, phân loại. Rác được tận dụng để tái chế ra các sản phẩm bằng đồ handmade.
Câu lạc bộ môi trường 3600 được thành lập từ năm 2007, theo ý tưởng của chàng sinh viên Lê Trung Sơn (khoa Kế hoạch 47A ĐH Kinh tế quốc dân), anh chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện phong trào sinh viên, mình thấy nhiều câu lạc bộ được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, trong một lần được tập huấn chương trình bảo vệ môi trường của Thụy Điển, mình thấy tình trạng ô nhiễm môi trường giai đoạn đó đáng báo động”. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng thành lập một câu lạc bộ bảo vệ môi trường của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Với phương châm cùng nhau chung tay góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh, xây dựng một thủ đô xanh, sạch, không có rác.
Sau khi câu lạc bộ được thành lập, các thành viên trong nhóm bắt đầu chiến dịch tuyên truyền cho người dân hiểu, ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Đồng thời, câu lạc bộ cũng đến các địa điểm hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, giảng đường của Trường ĐH Kinh tế quốc dân để thu gom rác thải, quét dọn. Sau khi đi thu gom rác về tập kết tại một điểm đã quy định và các thành viên bắt đầu phân loại rác. Các loại như: Que kem, giấy, sách, báo nhóm sẽ đem đi tái chế; còn túi nylon, chai nhựa… sẽ được đem đi
xử lý.
Ngoài xử lý rác, câu lạc bộ cũng có kế hoạch bài bản để tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân. Lên ý tưởng cho các đoạn kịch hay đạp xe quanh thành phố để truyền tải thông điệp “không xả rác bừa bãi, tích cực tái chế lại rác, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, nguồn nước… “Những lần như vậy chúng em được người dân ủng hộ lắm, đi đến đâu các bác cũng thăm hỏi, động viên. Đó chính là tiếp thêm sức mạnh cho chúng em”. Bạn Lại Trần Trung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ môi trường 3600 hiện nay - chia sẻ.
Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa cho các học sinh tiểu học ở các trường: Hoàng Văn Thụ, Nghiêm Xuyên, các em nhỏ ở làng trẻ em SOS… Hằng năm, trong chiến dịch mùa hè xanh, các bạn cũng đến các tỉnh miền núi xây dựng các bãi tập kết rác, xây kênh mương thủy lợi, làm đường bêtông, xây nhà tình nghĩa…
Tái chế các sản phẩm từ rác
Với mong muốn tất cả mọi người biết tận dụng tối đa nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời hạn chế rác thải ra môi trường gây ô nhiễm, câu lạc bộ cũng đã lên kế hoạch thực tiễn đi thu gom rác về để phân loại và tái chế. Bạn Nguyễn Văn Công - thành viên câu lạc bộ - chia sẻ: “Nhiều người nghĩ đã là rác chỉ vứt đi, không làm được gì nữa. Nhưng khi chúng em tận dụng chính những thứ rác họ đưa đến đổi để tái chế lại thành đồ handmade trưng bày tại các triển lãm bảo vệ môi trường, hay ngày hội đổi rác thì họ rất ngạc nhiên”.
Như thường niên, một năm hai lần vào tháng 3 và 12, câu lạc bộ tổ chức “ngày hội đổi rác”. Nhằm kêu gọi người dân tham gia ngày hội này, các bạn đã đưa ra ý tưởng đổi rác lấy quà. Bạn Nguyễn Thị Thu - sinh viên năm 2, thành viên trong câu lạc bộ - chia sẻ: “Ngày hội đổi rác cũng là ngày để chúng em có thể chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình tái chế, những thứ tưởng bỏ đi thành những vật dụng hay đồ trang trí trong nhà mà chính người dân có thể tự tái chế được. Đồng thời các bạn sinh viên cũng như thế hệ trẻ có ý thức hơn về việc bảo vệ thủ đô, cũng như môi trường sống của mình. Để mình có một thủ đô văn minh, lịch
sự hơn”.

No comments:

Post a Comment

Disqus Shortname

Comments system

[blogger][disqus][facebook]